Phụ nữ làm ngành y: Niềm tự hào vượt trên những vất vả – Mỹ phẩm Tế bào gốc
>

Phụ nữ làm ngành y: Niềm tự hào vượt trên những vất vả

Ngày:04/11/2015 lúc 22:33PM

Khi nhìn lại những bệnh nhân đặc biệt, những cháu bé được điều trị, được cứu sống thì đó chính là niềm an ủi, niềm hạnh phúc đối với tất cả chị em ngành y


Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có trên 60% cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên là nữ, mỗi người ở một khối chuyên môn khác nhau với công việc đặc thù riêng, nhưng họ đều có chung sự vất vả, áp lực của người phụ nữ làm trong ngành y tế.

Ở khối Lâm sàng - một khối mà chủ yếu là các nữ bác sĩ, điều dưỡng, công việc hàng ngày của các chị là chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Chị Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc – một trong 7 khoa lâm sàng của Viện chia sẻ: "So với nam giới, phụ nữ làm ngành y có nhiều hạn chế hơn, không chỉ về mặt sức khỏe, mà còn cả về vấn đề tâm lý. Trước những ca bệnh không điều trị được như ý muốn thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Chúng tôi vẫn phải đối mặt với những khó khăn như vậy và phải cố gắng vượt qua để làm việc tốt hơn, điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân".


Niềm vui của bác sĩ là điều trị hiệu quả cho người bệnh, chị Bình (người thứ hai từ bên phải) chia tay một bệnh nhân được ghép tế bào gốc thành công

Công việc nhiều áp lực, có những khi phải chứng kiến người bệnh ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết nên việc chăm sóc gia đình đôi khi cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy, các chị vẫn luôn hạnh phúc, tự hào về công việc đang làm. Chị Bình xúc động tâm sự: "Được làm ngành y đối với tôi đó không chỉ là công việc mà còn là niềm hạnh phúc vì có những người bệnh đã được chẩn đoán là kề cận với cái chết; nhưng với sự cố gắng của nhân viên y tế, sự tiến bộ của khoa học đã đem lại cơ hội sống cho họ. Khi nhìn lại những bệnh nhân đặc biệt, những cháu bé được điều trị, được cứu sống thì đó chính là niềm an ủi, niềm hạnh phúc đối với tất cả chị em ngành y”.

Tuy không trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhưng ở các khối khác như khối Truyền máu, khối Xét nghiệm… các cán bộ, nhân viên cũng phải trực đêm như ở khối Lâm sàng. Điều này cũng thực sự là một trở ngại cần vượt qua đối với phụ nữ - những người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc gia đình, con cái.

Đặc biệt như ở Khoa Điều chế các thành phần máu - thuộc Khối Truyền máu với hơn 40 nữ cán bộ, nhân viên thường xuyên phải làm theo ca và có những thời điểm phải làm thâu đêm. Chị Đỗ Thị Hiền, Phó trưởng Khoa Điều chế các thành phần máu cho biết: "Máu là một sản phẩm đặc biệt cần phải được đưa vào điều chế trong vòng 24h mới đảm bảo được chất lượng. Vì vậy, vào những ngày lượng máu nhiều, nhất là có những ngày hội hiến máu lớn như Lễ hội Xuân hồng, Giọt hồng tri ân… trong một ngày đã thu được hàng nghìn đơn vị máu; chúng tôi phải làm suốt đêm để kịp thời tách các thành phần máu, đưa vào bảo quản theo từng điều kiện phù hợp với từng loại chế phẩm để các chế phẩm đạt được tiêu chuẩn tốt nhất truyền cho người bệnh”.

Phụ nữ làm ngành y: Niềm tự hào vượt trên những vất vả
Chị Hiền (người ngoài cùng) và đồng nghiệp cần mẫn điều chế từng chế phẩm máu an toàn truyền cho người bệnh
Với đặc thù công việc làm theo ca, việc gia đình phần lớn các chị đều phải nhờ vào những người thân, chị Hiền chia sẻ: "Dù công việc bận rộn, nhưng chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ từ gia đình vì người thân đều hiểu được việc điều chế máu là không thể trì hoãn. Đó là điểm tựa vững chắc để chúng tôi yên tâm công tác".

Dù thời gian làm việc không ổn định nhưng các chị biết rằng có rất nhiều bệnh nhân bị tai nạn, sản phụ bị băng huyết sau sinh, bệnh nhân bệnh máu… đang cần máu. Có những người bệnh đang hôn mê nhưng khi được truyền máu đã từ từ tỉnh lại, điều đó đã trở thành động lực giúp các chị không quản ngại thời gian để ngày càng gắn bó với công việc hơn.

Là một bệnh nhân của Khoa Ghép tế bào gốc, đã từng được bác sĩ Võ Thị Thanh Bình điều trị, ông Lê Văn Tái (Ứng Hòa, Hà Nội) nhận xét chung về những phụ nữ làm ngành y: "Phụ nữ làm làm ngành Y cái hay là tính tình dịu dàng , có khả năng chịu đựng chứ không nóng nảy, vội vàng như nam giới”.

Với riêng các nữ y bác sĩ của Khoa Ghép tế bào gốc, bác có cảm nhận: "Tôi vào đây điều trị đã 5-6 tháng, từ trưởng khoa cho đến các nhân viên hầu hết là nữ nhưng tất cả đều hết sức tận tình. Tôi chưa thấy nhân viên ở đây cáu gắt bao giờ và đặc biệt là có tình cảm, tình thương yêu với người bệnh cho nên điều trị bệnh nhân rất chu đáo”.

Chính niềm tin vào công việc mình đang làm, sự ủng hộ của gia đình và nhất là sự tin tưởng của người bệnh đã tiếp thêm sức mạnh giúp các nữ cán bộ, nhân viên của Viện nói riêng, cũng như tất cả những người phụ nữ làm ngành y nói chung vượt qua tất cả những vất vả, áp lực trong công việc để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn, đúng như chia sẻ của chị Vũ Thị Hồng Phương, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ: "Khi tôi chọn vào ngành y, vì có sự tự hào nên tôi quên sự vất vả”.

Trương Hằng
www.suckhoedoisong.vn
Nguyễn Đức Thạnh
Tin cùng chuyên mục :
BÌNH LUẬN